Tại Indonesia Làn sóng Đài Loan

Nhạc pop Hoa ngữ (đặc biệt là nhạc tiếng Quan thoại) từng đạt mức độ nổi tiếng đỉnh điểm ở Indonesia một thời gian dài trước khi làn sóng nhạc pop Hàn QuốcNhật Bản tràn qua. Văn hóa đại chúng Đài Loan đã từng là mốt thịnh hành tại Indonesia vào thời gian đầu và giữa những năm 2000, sau khi những điều luật có tuổi thọ hàng thập kỷ quy định việc nghiêm cấm truyền bá tiếng Hoa được bãi bỏ thông qua các cải cách của chính phủ.

Ở thủ đô Jakarta, các trung tâm thương mại như ITC Roxy Mas và ITC Mangga Dua là bến đỗ cho những người bán đĩa CD lậu của các ca sĩ Đài Loan và các đĩa phim lậu của Trung Quốc, Hồng KôngĐài Loan. Ở đây có những cửa hàng bán đồ điện tửđiện thoại di động nơi khách hàng có thể ghé vào và hỏi mua chiếc điện thoại hãng Nokia có chứa các tập tin MP3 của những bài hát tiếng Hoa mới nhất.

Chẳng có gì lạ khi nghe thấy các ca khúc của Châu Kiệt Luân, Vương Lực Hoành, Thái Y Lâm, v.v... được phát ra trong khung cảnh mọi người đang đi bộ dọc hành lang ở các trung tâm mua sắm này. Người hâm mộ biết cách để có được những bản phát hành mới nhất của nhóm nhạc nam F4 nhờ những tiểu thương trên vỉa hè mà họ thân quen, hoặc tải nhạc MP3 thông qua các mạng chia sẻ ngang hàng và các trang blog trực tuyến.

Tuy nhiên khi các cô cậu thanh thiếu niên của thập niên 2000 lớn lên, họ đã chuyển hướng từ văn hóa đại chúng Đài Loan sang các lối rẽ khác, và do đó đỉnh điểm đã hạ nhiệt và thoái trào. Dù sao thì, một số đài phát thanh như Đài Chân trời FM 98,3 (tức 98.3 FM Radio Cakrawala, nay đổi tên thành "Đài tiếng Quan thoại FM 98,3") ở Jakarta vẫn tiếp tục phát những giai điệu nhạc Hoa kể từ quãng thời gian đó.[27]